Những kinh nghiệm đi đèo an toàn nhất định phải biết

Những kinh nghiệm đi đèo an toàn nhất định phải biết

Đường đèo là một cung đường nguy hiểm, do đó đòi hỏi người lái phải có một số kinh nghiệm đi đèo nhất định để đảm bảo an toàn.

Nước ta có nhiều con đèo lớn như đèo Bảo Lộc, đèo Hải Vân, đèo Mã Pí Lèng, đèo Ô Quy Hồ… Nằm giữa núi non, sở hữu cảnh đẹp hùng vĩ, nhưng những con đèo này cũng lại là những cung đường nguy hiểm bậc nhất.

Như đèo Bảo Lộc với chiều dài chỉ hơn 10 km, song có đến hàng chục khúc cua “cùi chỏ” nguy hiểm, nhiều đoạn uốn lượn quanh co. Mỗi năm đèo Bảo Lộc xảy ra rất nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông nghiêm trọng. Điều này đã khiến không ít người cảm thấy hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, nguyên nhân các vụ tai nạn ô tô do đường đi khúc khuỷu chỉ là phần ít. Còn phần nhiều chủ yếu vì sự thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện, vượt ẩu, phóng nhanh, lấn làn đường…

Do đó, nếu chuẩn bị tốt, trang bị đầy đủ kiến thức kinh nghiệm đi đèo, đặc biệt là lái xe tuân thủ đúng quy định thì người lái hoàn toàn có thể chinh phục những con đèo hiểm trở này một cách an toàn.

Cách đi đường đèo bằng xe số tự động AT

Tuy cách lái xe số tự động đơn giản hơn xe số sàn nhưng đó chỉ là trong điều kiện bình thường. Còn khi đi đèo sẽ có nhiều trường hợp người lái cần chuyển về chế độ số tay để kiểm soát tốc độ tốt hơn.

Đa phần các dòng xe ô tô hộp số tự động AT, hộp số vô cấp CVT, hộp số ly hợp kép DCT… đều có bố trí cần giống nhau gồm các chế độ: P (đỗ), R (lùi), N (tự đo), D (tiến). Ngoài các ký hiệu số tự động cơ bản này, xe còn thường có thêm ký hiệu số tay ở dạng M+/-, D (D2, D3), L (L2)… Chế độ số tay có thể điều khiển thông qua lẫy chuyển số trên vô lăng hoặc qua cần số.

Leo đèo

Cách leo đèo bằng xe số AT cũng như khi di chuyển đường trường bình thường, người lái chỉ cần để nguyên số D. Khi này ECU sẽ tính toán và tự động chuyển số phù hợp dựa trên vị trí bướm ga và tốc độ.

Đổ đèo

Xuống đèo bằng xe số tự động sẽ hơi phức tạp hơn khi leo đèo. Do khi xuống đèo xe sẽ có xu hướng lao nhanh theo quán tính. Nếu chỉ kiểm soát tốc độ bằng cách rà phanh liên tục thì hệ thống phanh sẽ chịu áp lực lớn, dễ gây nóng phanh, cháy phanh, thậm chí mất phanh. Vì thế để kiểm soát tốt tốc độ khi xe xuống đèo một cách an toàn, người lái cần sử dụng phanh động cơ.

Để phanh động cơ bằng xe số tự động, người lái hãy chuyển về chế độ số tay, cho số về chế độ số thấp D3, L2 hoặc M- tuỳ theo bố trí ở mỗi xe. Khi này độ dốc (thế năng) sẽ là động lực kéo xe, còn động cơ giúp phanh hãm xe.

Khi xuống dốc nên sử dụng chế độ số tay, chuyển về số thấp để phanh bằng động cơ

Trong trường hợp đã chuyển về D3, L2 hoặc M- mà thấy xe vẫn lao nhanh, tốc độ không đảm bảo an toàn (thường là trên 50 km/h), cần dùng đến phanh nhiều thì tiếp tục hạ số, kéo cần số về chế độ D2, L hoặc M- lần nữa. Khi nào tốc độ xe nằm trong khoảng từ 40 – 50 km/h, không cần nhấp chân phanh thì có nghĩa bạn đã chọn được đúng số phù hợp với độ dốc của đèo. Lúc này chỉ cần đạp phanh khi cần thiết, không cần rà phanh liên tục.

Lên/xuống dốc liên tục

Với những đường đèo có nhiều đoạn dốc ngắn cần lên xuống dốc liên tục thì tốt nhất nên chọn chế độ tay để đi đèo. Hãy áp dụng nguyên tắc “lên số nào xuống số đó”. Điều này sẽ giúp bạn không phải thao tác cần số quá nhiều.

Cách đi đường đèo bằng xe số sàn MT

Khi đi đường đèo bằng xe hộp số sàn, người lái cần phải sử dụng côn – ga – số phù hợp với độ dốc của đèo. So với lái xe số tự động thì cách lái xe số sàn đi đèo sẽ phức tạp hơn nhưng cũng không quá khó.

Leo đèo

Khi lèo đèo cần chuyển xe về số thấp để tăng lực kéo như số 3, 2 hoặc 1. Không có bất kỳ quy định vào về việc leo đèo thì chọn số mấy. Bởi việc chọn số sẽ tuỳ thuộc vào độ dốc của con đèo. Và cũng sẽ không nhất định phải giữ nguyên một số để leo đèo mà cần tuỳ chỉnh linh hoạt theo độ dốc của từng đoạn đường đèo.

Khi đi đèo xe số sàn, lúc lèo đèo cần chuyển xe về số thấp để tăng lực kéo

Theo kinh nghiệm đi đèo xe số sàn, cần phối hợp côn – ga – số sao cho giữ được đà xe và không khiến động cơ bị quá tải. Tuỳ vào công suất, tải trọng xe mà canh vòng tua máy phù hợp. Thông thường vòng tua máy nên trên mức 2.000 vòng/phút để tránh máy xe bị yếu, xe mất đà. Tuy nhiên cũng không nên để vòng tua máy quá cao như trên 3.000 vòng/phút bởi sẽ khiến động cơ làm việc vất vả.

Đổ đèo

Khi xuống đèo cần sử dụng phanh động cơ. Áp dụng nguyên tắc “lên số nào thì xuống số đó”. Trong trường hợp tốc độ xe xuống dốc vẫn hơi nhanh thì có thể về thấp hơn 1 số so với lúc lên. Nếu khi đang đổ đèo mà gặp đoạn dốc thoải hơn xe bị ghì chậm thì có thể đạp côn để xe trôi tự do một đoạn ngắn sau đó nhả côn để xe tiếp tục được hãm bằng động cơ. Lưu ý tránh ra vào số liên tục bởi dễ dẫn đến việc khi cần lại không vào được số phù hợp.

Những kinh nghiệm đi đèo an toàn

Đi đúng phần đường

Đây là kinh nghiệm đi đèo Bảo Lộc an toàn được nhiều “bác tài già” chia sẻ nhưng cũng là điều mà nhiều người dễ phạm lỗi nhất. Đường đèo thường hẹp, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Nếu xảy ra tình huống đối đầu nguy hiểm, xe thường không có không giản để tránh. Do đó khả năng va chạm với xe ngược chiều là rất cao. Vì thế tuyệt đối chỉ đi đúng phần đường của mình, không lấn làn đường. Nếu thấy xe ô tô hay xe máy quen đường nào đó lấn đường phóng nhanh thì cũng không bám theo họ.

Tránh bám sát vạch kẻ đường

Khi chạy trên đường đèo, một số người kém ý thức thường phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn thiếu quan sát… dễ đẩy các phương tiện đi ngược chiều vào tình huống nguy hiểm. Vì thế để đảm bảo an toàn không nên bám quá sát vạch kẻ đường, nhất là khi xe vào cua hay khi lái xe đường mưa, lái xe đường trơn, lái xe đường sương mù… Hãy để lại khoảng trống để đề phòng các tình huống bất ngờ.

Bám sát vạch phải để tránh xe ngược chiều

Nếu thấy xe chạy ngược chiều lấn làn, chạy tốc độ cao, “chém đường” khi vào cua thì tốt nhất nên cho xe bám theo vạch giới hạn hay cọc tiêu bên phải để tránh.

Chạy đúng tốc độ quy định

Ở các đoạn đường trên đèo thường có biển báo giới hạn tốc độ. Người lái cần tuân thủ đúng tốc độ này để đảm bảo an toàn. Ngay cả khi thấy đường vắng cũng không nên chạy quá tốc độ bởi nếu gặp tình huống bất ngờ sẽ không xử lý kịp. Trong trường hợp bị xe sau bấm còi hối thúc hãy chủ động tấp vào nhường đường.

Khi đi đèo, ngay cả khi thấy đường vắng cũng cần tuân thủ chạy đúng tốc độ quy định

Giữ khoảng cách an toàn

Một kinh nghiệm leo đèo an toàn đó là cần giữ khoảng cách với xe phía trước. Dù là khi leo đèo hay xuống đèo tuyệt đối cũng không bám đuôi, nhất là với các xe tải lớn, xe container, đầu kéo… Việc giữ khoảng cách an toàn sẽ giúp người lái có thể xử lý kịp thời nếu xảy ra tình huống bất ngờ ví dụ như xe phía trước phanh gấp hay xảy ra sự cố.

Thật cẩn trọng khi vào cua

Phần lớn các vụ tai nạn giao thông trên đường đèo xảy ra ở khúc cua. Nguyên nhân do lấn đường khi vào cua, vượt ẩu khi vào cua, chạy quá nhanh khi vào cua… Do đó mỗi khi vào cua người lái phải thật cẩn trọng, chú quan sát (quan sát đường và gương cầu lồi bố trí bên đường), giảm tốc độ, bóp còi báo hiệu, cua tròn, không lấn sang làn ngược chiều và cũng không nên bám sát vạch kẻ tim đường. Tuyệt đối không cua gấp, vào tua tốc độ cao.

Khi vào cua trên đường đèo phải thật cẩn trọng, chú ý quan sát, giảm tốc độ và cua tròn

Sử dụng đèn phù hợp

Nếu đi đèo vào ban ngày, trời nhiều sương, có mấy mù thì nên bật đèn sương mù và đèn định vị LED ban ngày. Nếu lái xe ban đêm leo đèo thì dùng đèn pha với chế độ chiếu xa/chiều gần phù hợp với tình hình thực tế. Nên chuyển từ đèn chiếu xa sang chiều gần nếu thấy xe ngược chiều hay khi chuẩn bị vào cua.

Không vượt ẩu

Rất nhiều vụ tai nạn xảy ra trên đèo Bảo Lộc do nguyên nhân xe vượt ẩu trên đèo. Đường đèo rất hẹp nên để vượt thường phải lấn sang làn đường ngược chiều. Khi này nếu gặp phải xe chạy ngược chiều, cả hai không phanh kịp thì rủi ro va chạm rất lớn.

Theo quy định trong Luật Giao thông, xe không được phép vượt khi chạy ở đường vòng, đầu dốc, vị trí có tầm nhìn hạn chế, đường không đảm bảo an toàn cho việc vượt… Mà đường đèo chính là nơi có nhiều đoạn vòng, dốc, tầm nhìn hạn chế… nên thuộc một trong các trường hợp không được phép vượt. Trên đường đèo cũng thường có các biển báo cấm vượt, làn đường được phân chia bởi vạch sơn liền. Do đó không vượt ẩu trên đèo, vượt ở nơi không cho phép vượt, nhất là vượt ngay khúc cua khuất.

Đổ đèo không rà phanh

Nếu rà phanh khi đổ đèo phanh sẽ chịu áp lực rất lớn. Điều này dễ làm phanh bị nóng, gây mòn má phanh, cháy phanh, mất phanh. Do đó khi xuống đèo cần sử dụng phanh động cơ bằng cách chuyển xe về số thấp. Còn với chân phanh thì chỉ đạp dứt khoát trong tình huống cần thiết, không rà phanh lâu.

Đổ đèo không về N, tắt máy xe

Khi đổ đèo tuyệt đối không chuyển số về N hay tắt máy xe. Nhiều nhiều nghĩ rằng đây là cách tiết kiệm xăng. Tuy nhiên thực tế lại vô cùng nguy hiểm. Bởi khi chuyển số về N hay tắt máy xe, xe sẽ trôi tự do rất nhanh theo quán tính. Lúc này, người lái chỉ có thể kiểm soát tốc độ xe bằng chân phanh. Nhưng nếu rà phanh liên tục trên đoạn đường dài, phanh rất dễ bị nóng, khiến cháy phanh, thậm chí tình huống xấu nhất là xe bị mất phanh.

Trong khi chuyển về số thấp, xe sẽ được hỗ trợ phanh bằng động cơ, người lái không cần dùng nhiều phanh. Do đó, tuyệt đối không về N hay tắt máy xe khi xe đổ đèo.

Chủ động nhường đường

“Nhẫn một chút sóng yên, gió lặng. Lùi một bước biển rộng trời cao” – câu nói của cổ nhân có lẽ rất phù hợp khi lái ô tô đi đèo. Bởi trên khi đi đèo, đường hẹp, một bên vách núi một bên vực sâu, địa hình thì quanh co khúc khuỷu… Do đó nếu có thể hãy luôn chủ động nhường đường. Bởi điều này không chỉ thể hiện ý thức hỗ trợ người khác khi tham gia giao thông, mà còn là cách tự bảo vệ bản thân, tránh các rủi ro không đáng có.

Dừng đỗ đúng nơi quy định

Đường đèo rất hẹp nên không được phép tự ý dừng đỗ, chỉ dừng đỗ trong tình huống khẩn cấp và cần bật đèn cảnh báo. Trên đường đèo thỉnh thoảng sẽ có một số trạm dừng đỗ, người lái có thể dừng đỗ tại đây.

Những lưu ý ô tô trước khi đi đèo

Trước khi đi đèo, để đảm bảo hành trình an toàn hạn chế các rủi ro, người lái nên:

Kiểm tra lốp: Kiểm tra áp suất lốp, độ mòn lốp… Nếu lốp ô tô đã bị mòn, sử dụng trên 5 – 6 năm thì nên thay mới. Bởi lốp cũ thường yếu, khả năng bị thủng săm, nổ lốp rất cao.

Kiểm tra phanh: Kiểm tra hệ thống tình trạng phanh, má phanh, dầu phanh… Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở hệ thống phanh như phanh bị kêu, phanh bị nặng, bàn đạp phanh thấp… thì cần đưa đến gara để xử lý ngay.

Kiểm tra gạt mưa: Gạt mưa hoạt động tốt thì mới có thể làm sạch kính lái, đảm bảo tầm nhìn. Do đó trước khi đi xa nên kiểm tra gạt mưa và thay thế nếu gạt có dấu hiệu bị mòn, chai cứng…

Kiểm tra nhiên liệu: Trên đường đèo dốc thường hiếm khi có trạm xăng dầu, do đó xe cần được đổ đầy nhiên liệu trước khi lên hay xuống đèo.

Đang xem: Những kinh nghiệm đi đèo an toàn nhất định phải biết

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
Giỏ Hàng