Chứa lượng calo dư thừa nhưng lại thiếu hụt trầm trọng các dưỡng chất thiết yếu, đồ uống có đường như nước ngọt đang âm thầm bào mòn sức khỏe của chúng ta. Hãy cùng Săn Khuyến Mãi tìm hiểu nhé !
Nước ngọt có giá trị dinh dưỡng không?
Theo thông tin từ Trường Y tế Công Harvard T.H. Chan, đồ uống có đường bao gồm nước ngọt hay bất kỳ đồ uống nào chứa thêm đường hoặc chất tạo ngọt nhân tạo. Đáng lo ngại, đây là loại đồ uống kém lành mạnh nhất vì cung cấp lượng calo dư thừa mà lại thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu.
Nhiều người lầm tưởng rằng uống nước ngọt sẽ giúp no lâu như khi ăn thức ăn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm. Lượng calo từ nước ngọt không khiến bạn no lâu và cũng không được cơ thể đốt cháy hiệu quả, dẫn đến nguy cơ tích tụ mỡ thừa, tăng cân mất kiểm soát.
Hơn thế nữa, chỉ một lon nước ngọt chứa lượng calo tương đương một bữa ăn nhẹ, tương đương 130-180 calo. Lượng calo dư thừa này nếu không được đốt cháy sẽ tích tụ thành mỡ, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, ung thư và thậm chí là tử vong sớm.
Uống nhiều nước ngọt dễ mắc bệnh gì?
Bệnh tiểu đường
Đường bổ sung có nhiều trong các thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo và đặc biệt là nước ngọt, đang âm thầm đe dọa sức khỏe chúng ta. Khác với đường tự nhiên, đường bổ sung được cơ thể hấp thụ nhanh chóng, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, buộc tuyến tụy phải sản xuất nhiều insulin hơn.
Khi tuyến tụy không thể đáp ứng, lượng đường dư thừa sẽ tích tụ, dẫn đến nguy cơ về bệnh tiểu đường và rối loạn chức năng insulin.
Tăng nguy cơ mắc và khó kiểm soát các bệnh mạn tính
Ngoài bệnh tiểu đường, việc tiêu thụ nhiều đường bổ sung, đặc biệt từ nước ngọt, còn là nguyên nhân tiềm ẩn cho hàng loạt vấn đề sức khỏe khác như viêm mãn tính, căng thẳng oxy hóa, béo phì, các căn bệnh tim mạch, huyết áp, loãng xương, bệnh gan, thậm chí là ung thư.
Đối với trẻ nhỏ, lạm dụng nước ngọt không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao do cản trở khả năng hấp thụ canxi mà còn tiềm ẩn nguy cơ béo phì và các vấn đề sức khỏe khác trong tương lai.
Lão hóa nhanh
Tác hại của đường bổ sung không dừng lại ở đó. Nạp quá nhiều đường không chỉ khiến bạn tăng cân mất kiểm soát mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa. Collagen và elastin là hai thành phần chính cấu tạo nên da sẽ bị phá hủy bởi lượng đường dư thừa, dẫn đến hình thành nếp nhăn sớm, da chảy xệ và mất đi vẻ tươi trẻ.
Hơn nữa, những người thường xuyên uống đồ uống có đường có nguy cơ cao gặp phải vấn đề da liễu, đặc biệt là mụn trứng cá ở mức độ trung bình đến nặng. Lâu dần, da sẽ xuất hiện các đốm đen, đổi màu và tăng sắc tố, khiến bạn già nua và kém sắc.
Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới
Năm 2021, một nghiên cứu khoa học tại Mỹ đã hé lộ mối liên hệ đáng lo ngại giữa việc tiêu thụ nước ngọt và chức năng sinh sản ở nam giới. Nghiên cứu được thực hiện trên gần 3.000 nam thanh niên, kết quả cho thấy những người uống 220ml nước ngọt mỗi ngày có số lượng tinh trùng trung bình giảm 28 triệu con so với nhóm không sử dụng nước ngọt. Bên cạnh đó, nội tiết tố nam giới cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể ở nhóm thường xuyên tiêu thụ nước ngọt.
Phát hiện này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tác hại tiềm ẩn của nước ngọt đối với sức khỏe sinh sản nam giới.
Uống nước ngọt như thế nào là an toàn?
Nước ngọt, dù có nhiều màu sắc và hương vị hấp dẫn, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Tuy nhiên, do tính tiện lợi và sự phổ biến rộng rãi, sản phẩm này vẫn được nhiều người ưa chuộng. Vậy, làm thế nào để vừa thỏa mãn sở thích, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân?
Chọn sản phẩm an toàn
Ưu tiên mua nước ngọt tại các cửa hàng, siêu thị lớn, có uy tín để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.
Hạn chế mua nước ngọt bày bán ở các quầy ven đường, cổng trường vì tiềm ẩn nguy cơ cao về hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Cẩn thận kiểm tra hạn sử dụng, tem nhãn mác, thành phần sản phẩm trước khi mua. Ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thành phần an toàn, tốt cho sức khỏe.
Uống nước ngọt như thế nào là an toàn?
Hạn chế lượng tiêu thụ
Theo dõi lượng đường: Lượng đường khuyến nghị mỗi ngày cho người trưởng thành là 25g. Nên theo dõi lượng đường trong mỗi lon/chai nước ngọt để điều chỉnh lượng tiêu thụ phù hợp.
Kết hợp nước lọc: Thay vì chỉ uống nước ngọt, hãy kết hợp bổ sung nhiều nước lọc để thanh lọc cơ thể và hạn chế tác hại của đường.
Lắng nghe cơ thể: Uống nước ngọt khi thực sự khát, không nên ép buộc bản thân hoặc uống theo thói quen.
Uống bao nhiêu nước ngọt là đủ?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để bảo vệ sức khỏe, chúng ta nên hạn chế tối đa việc sử dụng đồ uống có đường, bao gồm nước ngọt có gas, nước ngọt không gas, nước ép trái cây/rau củ, nước tăng lực, đồ uống thể thao, trà, cà phê uống liền,... Đặc biệt, trẻ em dưới 2 tuổi hoàn toàn không nên tiêu thụ đồ uống có đường.
Với trẻ em và thanh thiếu niên, lượng tiêu thụ đồ uống có đường khuyến nghị không quá 235ml mỗi tuần theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.
Lý do là vì chỉ với 1 lon nước ngọt 300ml, chúng ta đã nạp đủ nhu cầu đường tự do (đường đơn, đường đôi) cho cả ngày. Chưa kể, lượng đường này còn cộng thêm từ các thực phẩm khác, khiến lượng đường tự do thực sự tiêu thụ tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo đối với người trưởng thành khỏe mạnh, lượng đường tự do (đường đơn, đường đôi) tối đa nạp vào chỉ nên dưới 10% tổng năng lượng mỗi ngày (tương đương dưới 50g đường tự do cho chế độ dinh dưỡng 2.000Kcal/ngày).
Nước ngọt mang đến hương vị thơm ngon và sự sảng khoái tức thì, nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe. Việc tiêu thụ quá nhiều nước ngọt có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như béo phì, tiểu đường, tim mạch, lão hóa. Do đó, bạn hãy lựa chọn một cách thông minh để bảo vệ chính mình và những người thân yêu!
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống