Khi mới sử dụng thẻ tín dụng, nhiều người thường lo lắng bản thân sử dụng không đúng cách và có thể ảnh hưởng tới tài chính cá nhân. Để giải quyết băn khoăn này của khách hàng, SKM đã tổng hợp các lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng ngay tại bài viết dưới đây. Cùng tìm hiểu chi tiết để tận dụng tối đa tiềm năng của thẻ vào chi tiêu và hạn chế rủi ro.
|
Khi khách hàng chi tiêu bằng thẻ tín dụng, khoản tiền mà khách hàng đã sử dụng được gọi là “dư nợ”. Sau khi “mượn tiền ngân hàng để chi tiêu”, chủ thẻ có trách nhiệm hoàn trả số tiền đó trong thời gian ngân hàng quy định, thông thường rơi vào khoảng 45 - 55 ngày.
Khi thanh toán dư nợ đúng hạn và đầy đủ, chủ thẻ sẽ được khôi phục hạn mức tín dụng để tiếp tục chi tiêu miễn lãi cho chu kỳ sau. Nếu thanh toán dư nợ chậm hoặc không đầy đủ, chủ thẻ có thể sẽ phải đóng phí phạt trả chậm lên tới 5% và lãi suất lên tới 20 - 40%/năm.
Nếu thường xuyên thanh toán dư nợ đầy đủ và đúng hạn, điểm tín dụng tích lũy trên CIC của khách hàng sẽ tăng lên. Nếu có một lịch sử tín dụng tốt, khách hàng sẽ dễ dàng được duyệt nâng hạn mức thẻ và các khoản vay lớn trong tương lai.
Trong trường hợp không thể trả đủ dư nợ đúng hạn, khách hàng có thể thanh toán dư nợ tối thiểu (khoảng 5% tổng dư nợ) để không phát sinh phí phạt trả chậm. Tuy nhiên, chủ thẻ vẫn phải chịu lãi suất 20 - 40%/năm với số tiền còn lại chưa thanh toán.
Chủ thẻ nên thanh toán dư nợ trước ngày thanh toán vài ngày để giảm rủi ro gặp lỗi hệ thống, chênh lệch thời gian chuyển tiền giữa các ngân hàng… khiến khoản dư nợ bị trả chậm, phát sinh các khoản phí phạt không mong muốn. |
Tận dụng ưu đãi để giảm chi phí mua sắm
Khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, khách hàng sẽ được nhận nhiều ưu đãi như: Hoàn tiền, giảm giá, tích điểm đổi quà... giúp khách hàng tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.
Bảo mật và giữ an toàn cho thẻ tín dụng
Khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng cần có ý thức về an toàn, bảo mật thông tin thẻ để phòng tránh rủi ro trong các trường hợp ngoài ý muốn. Cụ thể, khách hàng có thể thực hiện theo những cách sau:
- Che mã CVV: Sau khi đã ghi nhớ, khách hàng có thể ký mặt sau thẻ hoặc dán tem vỡ để che đi 3 số mã CVV phía sau, đảm bảo kẻ gian không thể đánh cắp mã CVV của bạn cho các giao dịch thanh toán online về sau.
- Luôn giữ hoá đơn và kiểm tra sao kê hàng tháng: Nên giữ lại hóa đơn ít nhất trong 1 tháng để đối chiếu lại với sao kê tín dụng. Điều này giúp khách hàng dễ quản lý các khoản chi tiêu của mình hơn. Khi xảy ra trường hợp cấp bách thì có thể nhanh chóng xuất trình hóa đơn để ngân hàng giải quyết.
- Khóa thẻ ngay khi phát hiện mất thẻ: Khách hàng nên đăng ký dịch vụ Mobile Banking để nhận thông báo về tất cả các giao dịch trên thẻ. Khi phát hiện giao dịch bất thường, chủ thẻ cần truy cập vào Mobile Banking hoặc liên hệ với ngân hàng ngay để khóa thẻ.
- Không tiết lộ thông tin thẻ cho người khác: Chủ thẻ tuyệt đối không chia sẻ thông tin thẻ cho người khác (đặc biệt là qua internet), hạn chế cho người khác mượn thẻ, dùng chung thẻ… để tránh các rủi ro không mong muốn.
- Bảo đảm an toàn cho thẻ trong mọi trường hợp: Khách hàng nên che tay khi nhập mã PIN tại cây ATM. Khi quẹt thẻ khách hàng cần theo dõi thu ngân, nếu thấy bất thường thì khách hàng có quyền yêu cầu thu ngân dừng giao dịch ngay. Đồng thời, khách hàng tuyệt đối không giao dịch online trên các website lạ và tắt chức năng tự động thanh toán online khi không dùng đến...
Cân nhắc việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng có thể dùng để rút tiền mặt trực tiếp tại quầy và ATM. Tuy nhiên, hạn mức rút tối đa chỉ tới 80% và phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng khá cao, có thể lên đến 4% tổng số tiền rút. Ngoài ra, khách hàng sẽ bị tính lãi suất tới 20 - 40%/năm ngay tại thời điểm rút tiền.
Rút tiền từ thẻ tín dụng cũng sẽ bị trừ vào hạn mức tín dụng của chủ thẻ và bị phát sinh lãi suất ngay lập tức. Do đó, nếu không phải gặp trường hợp cực kỳ cấp bách, khách hàng không nên rút tiền từ thẻ tín dụng.
Tận dụng thời gian miễn lãi để đảm bảo khả năng thanh toán
Thông thường, thẻ tín dụng sẽ được miễn lãi trong khoảng 45 - 55 ngày. Chủ thẻ nên áp dụng một vài mẹo sau đây để tận dụng tối đa quyền lợi miễn lãi của thẻ tín dụng:
- Giao dịch vào ngày đầu chu kỳ thanh toán: Chu kỳ thanh toán là khoảng thời gian giữa 2 lần sao kê, thường là 1 tháng. Nếu chủ thẻ giao dịch càng gần cuối kỳ thì thời gian miễn lãi càng ngắn đi. Do đó, chủ thẻ nên sắp xếp giao dịch vào ngay sau ngày nhận được sao kê kỳ trước để được hưởng trọn vẹn thời gian miễn lãi.
- Hạn chế mua sắm khi ngày sao kê đã đến gần: Khách hàng không nên mua sắm nhiều gần ngày sao kê vì thời gian miễn lãi sắp hết. Thay vào đó, chủ thẻ nên tập trung thanh toán dư nợ đầy đủ và đúng hạn, chờ sang kỳ sau rồi tiếp tục mua sắm.
- Kiểm tra thường xuyên lịch sử giao dịch và khả năng chi trả: Chủ thẻ nên thường xuyên kiểm tra lịch sử giao dịch để kiểm soát bản thân không chi tiêu quá mức, cần có kế hoạch trả nợ hợp lý để được hưởng tiếp miễn lãi các kỳ sau.
Quản lý chi tiêu khi sử dụng nhiều thẻ tín dụng cùng lúc
Khách hàng cá nhân nên sở hữu số thẻ tín dụng với hạn mức tín dụng phù hợp với năng lực tài chính cá nhân. Tổng hạn mức của các thẻ tín dụng cộng lại không nên vượt quá 60% năng lực tài chính cá nhân theo từng tháng để đảm bảo khả năng thanh toán dư nợ đúng hạn.
Bên cạnh đó, thẻ tín dụng không dùng đến vẫn bị tính phí thường niên, điều này đồng nghĩa với việc chủ thẻ vẫn phải đóng đầy đủ các khoản phí này để duy trì hoạt động của thẻ ngay cả khi không sử dụng.
Nếu mở quá nhiều thẻ tín dụng, trong trường hợp khách hàng muốn vay các khoản vay khác thì hạn mức được giải ngân có thể bị ảnh hưởng. Do mỗi người có một giới hạn vay cá nhân khác nhau nên tổng hạn mức các thẻ tín dụng cộng dồn lại càng lớn thì hạn mức các khoản vay còn lại sẽ càng thấp.
Nhìn chung, khách hàng chỉ nên mở thẻ tín dụng khi đảm bảo khả năng thanh toán dư nợ để đảm bảo uy tín tín dụng và tăng khả năng được duyệt vay vốn trong tương lai. |
Như vậy, bài viết trên đã tổng hợp những lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả cho khách hàng. Mỗi người dùng nên biết cách tận dụng hiệu quả tiềm năng của thẻ tín dụng để có kế hoạch chi tiêu hợp lý.