Liên quan vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết toàn bộ diện tích trồng sầu riêng phía sau lưng chốt cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc là đất lâm nghiệp.
Toàn cảnh vụ sạt lở - nguồn Báo Tuổi Trẻ
Đồi sầu riêng này do người đàn ông tên Bi (cơ quan chức năng đang xác minh) cư trú trong miếu Ba Cô trồng từ năm 2019.
Toàn bộ diện tích của chốt cảnh sát giao thông hơn 500m2 và một phần nhỏ đồi sầu riêng phía sau (nối liền với khuôn viên trạm) là đất ngoài lâm nghiệp.
Ông Bi dẫn nước từ các con suối về để tưới vườn sầu riêng chứ không khoan giếng như nhiều thông tin trước đó.
Trao đổi liên quan việc có phải khu sầu riêng phía sau trạm là nguyên nhân chính gây sạt lở không, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng không có cơ sở. Sạt lở là tổ hợp nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa lớn cực đoan gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực.
Liên quan đến nguyên nhân vụ sạt lở, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo mời các chuyên gia địa chất xác định nguyên nhân. Đồng thời, đánh giá địa chất toàn bộ tuyến đèo Bảo Lộc và các tuyến đèo quanh tỉnh Lâm Đồng để có giải pháp lâu dài.
Trước đó, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại hiện trường, trong khoảng một giờ qua mưa tại khu vực sạt lở đèo Bảo Lộc đã giảm, chỉ còn lất phất. Lực lượng chức năng đang tranh thủ thời gian này để giải tỏa khối lượng đất đá sạt lở.
"Hai chiếc ô tô đã được cẩu ra khỏi hiện trường. Ba xe cuốc được điều động vào khu vực chốt cảnh sát giao thông để phá dỡ, khoanh vùng tìm kiếm nạn nhân còn lại của vụ sạt lở. Khối lượng đất đá còn rất nhiều nên công tác cứu hộ vẫn gặp khó khăn",
Hình ảnh mới nhất vụ sạt lở đèo Bảo Lộc
Hiện trường vụ tìm kiếm nguồn Báo Tuổi Trẻ
Chốt cảnh sát giao thông bị khối đất đá trên núi đổ xuống xô lệch nghiêng ngả
Lực lượng cứu hộ lấm lem bùn đất
Nhiều máy cuốc được điều đến tìm kiếm, cứu hộ
Chốt cảnh sát giao thông bị phá sập để khoanh vùng tìm kiếm nạn nhân còn lại